Vùng bên ngoài Sao Hải Vương Hệ_Mặt_Trời

Vùng bên ngoài Sao Hải Vương chứa các "vật thể ngoài Sao Hải Vương", và là 1 vùng còn chưa được thám hiểm nhiều. Nó bao gồm phần lớn các vật thể nhỏ (thiên thể lớn nhất có đường kính chỉ bằng 1/5 so với đường kính của Trái Đất và khối lượng nhỏ hơn nhiều so với Mặt Trăng) thành phần chính là băng và đá. Vùng này thỉnh thoảng gọi là "hệ Mặt Trời phía ngoài", nhưng thuật ngữ này thường được hiểu là vùng bên ngoài vành đai tiểu hành tinh.

Vành đai Kuiper

Bài chi tiết: Vành đai Kuiper
Hình vẽ các vật thể đã biết trong vành đai Kuiper so với 4 hành tinh khí khổng lồ.

Vành đai Kuiper, vùng hình thành đầu tiên, là 1 vành đai lớn chứa các mảnh vụn tương tự như vành đai tiểu hành tinh, nhưng nó chứa chủ yếu là băng.[73] Nó mở rộng từ 30-50 AU từ Mặt Trời. Trong vùng này có ít nhất 3 hành tinh lùn và còn lại là các vật thể nhỏ trong hệ Mặt Trời. Tuy thế nhiều vật thể lớn nhất trong vành đai Kuiper, như Quaoar, Varuna, và Orcus có thể sẽ được phân loại lại thành các hành tinh lùn. Các nhà thiên văn học ước lượng có trên 100.000 vật thể trong vành đai Kuiper có đường kính lớn >50 km, nhưng tổng khối lượng của vành đai này chỉ bằng khoảng 1/10 hoặc thậm chí 1/100 khối lượng của Trái Đất.[74] Nhiều vật thể thuộc vùng này có các vệ tinh quay quanh,[75] và nhiều vật thể có mặt phẳng quỹ đạo nằm bên ngoài mặt phẳng hoàng đạo.[76]

Vành đai Kuiper sơ bộ có thể chia thành vành đai "chính" và vành đai "cộng hưởng".[73] Vành đai cộng hưởng có quỹ đạo liên kết với Sao Hải Vương (ví dụ chúng quay trên quỹ đạo được 2 lần thì Sao Hải Vương đã quay trên quỹ đạo được 3 lần, hoặc 1 lần đối với 2 lần vòng quay của Sao Hải Vương). Vành đai cộng hưởng đầu tiên nằm trong cùng quỹ đạo của Sao Hải Vương. Các vật thể trong vành đai "chính" không có quỹ đạo cộng hưởng với Sao Hải Vương, nằm trong phạm vi gần 39,4-47,7 AU.[77] Các vật thể trong vành đai "chính" còn được gọi là cubewanos, bắt nguồn từ vật thể đầu tiên trong vùng này được phát hiện, (15760) 1992 QB1, và nó vẫn còn ở trạng thái gần nguyên thủy với độ lệch tâm quỹ đạo nhỏ.[78]

Sao Diêm Vương và Charon

So sánh Eris (với Dysnomia), Pluto (với Charon, NixHydra), Makemake, Haumea (với Hi'iaka và Namaka), Sedna, Orcus (với Vanth), 2007 OR10, Quaoar (với Weywot), và Trái Đất (vẽ theo tỉ lệ).

Pluto (khoảng cách trung bình đến Mặt Trời 39 AU) là 1 hành tinh lùn, và là thiên thể lớn nhất đã từng được biết tới trong vành đai Kuiper. Khi nó được phát hiện ra vào năm 1930, nó đã được coi là hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời; nhưng điều này đã thay đổi vào năm 2006 với định nghĩa mới về hành tinh. Sao Diêm Vương có quỹ đạo với độ lệch tâm lớn và nghiêng 170 so với mặt phẳng hoàng đạo với điểm cận nhật cách Mặt Trời 29,7 AU (nằm bên trong quỹ đạo của Sao Hải Vương) và điểm viễn nhật cách Mặt Trời 49,5 AU. Sao Diêm Vương cộng hưởng quỹ đạo 3:2 với Sao Hải Vương. Các vật thể trong vành đai Kuiper mà quỹ đạo có cùng đặc điểm cộng hưởng này được gọi là các vật thể Plutino.[79]

Charon, vệ tinh lớn nhất của Pluto, đôi khi được miêu tả nó là 1 phần của hệ đôi với Pluto, do 2 thiên thể quay quanh 1 khối tâm hấp dẫn bên trên bề mặt của chúng (do vậy chúng hiện lên như là quay quanh nhau). Xa hơn Charon, 2 vệ tinh nhỏ hơn rất nhiều là NixHydra quay quanh hệ này.

Haumea và Makemake

Haumea (khoảng cách trung bình đến Mặt Trời 43,34 AU), và Makemake (khoảng cách trung bình đến Mặt Trời 45,79 AU), tuy nhỏ hơn Pluto, nhưng chúng là những vật thể lớn nhất trong vành đai Kuiper chính (tức là chúng không có quỹ đạo cộng hưởng với Sao Hải Vương). Haumea là 1 vật thể có hình quả trứng với 2 vệ tinh quay quanh. Makemake là vật thể sáng nhất trong vành đai Kuiper sau Pluto. Ban đầu chúng được gán tên lần lượt là 2003 EL612005 FY9, sau đó chúng được đặt tên và phân loại thành hành tinh lùn vào năm 2008.[80] Độ nghiêng quỹ đạo của chúng lớn hơn rất nhiều so với của Pluto, lần lượt là 28° và 29°.[81]

Đĩa phân tán

Bài chi tiết: Đĩa phân tán

Đĩa phân tán chồng lên vành đai Kuiper và mở rộng ra khoảng cách xa hơn được cho là nơi xuất phát của nhiều sao chổi có chu kỳ ngắn. Các vật thể trong đĩa phân tán được cho là đã bị đẩy vào quỹ đạo bất thường do ảnh hưởng của lực hấp dẫn của sự di cư ra bên ngoài của Sao Hải Vương. Hầu hết các vật thể trong đĩa phân tán (SDOs) có điểm cận nhật nằm trong vành đai Kuiper nhưng điểm viễn nhật cách xa 150 AU so với Mặt Trời. Quỹ đạo của SDOs cũng có độ nghiêng lớn so với mặt phẳng hoàng đạo, và thường vuông góc với nó. Một số nhà thiên văn học coi đĩa phân tán chỉ là 1 vùng khác của vành đai Kuiper, và họ miêu tả các vật thể thuộc đĩa phân tán là "vật thể phân tán trong vành đai Kuiper."[82] Một số nhà thiên văn cũng phân loại các vật thể centaur như là các vật thể thuộc vành đai Kuiper phân tán bên trong cùng với các vật thể phân tán bên ngoài của đĩa phân tán.[83]

Eris

Eris (khoảng cách trung bình đến Mặt Trời 68 AU) là vật thể lớn nhất từng được biết trong đĩa phân tán, với khối lượng lớn hơn của Sao Diêm Vương 25%[84] và đường kính bằng với đường kính của Pluto. Nó là hành tinh lùn có khối lượng lớn nhất trong số các hành tinh lùn đã biết. Eris có 1 vệ tinh là Dysnomia. Cũng như Pluto, quỹ đạo của nó có độ lệch tâm lớn với điểm cận nhật cách Mặt Trời 38,2 AU (gần bằng khoảng cách từ Mặt Trời đến Pluto) và điểm viễn nhật cách Mặt Trời 97,6 AU, đồng thời mặt phẳng quỹ đạo của nó nghiêng 1 góc lớn so với mặt phẳng hoàng đạo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hệ_Mặt_Trời http://www.ras.ucalgary.ca/CGPS/press/aas00/pr/pr_... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/553008 http://my.execpc.com/~culp/space/timeline.html http://books.google.com/?id=2JuGDL144BEC&pg=PA66&d... http://hypertextbook.com/facts/2002/StacyLeong.sht... http://www.ingentaconnect.com/search/expand?pub=in... http://www.krysstal.com/solarsys_planets.html http://www.m-w.com/dictionary/solar%20system http://www.mikebrownsplanets.com/2011/08/free-dwar... http://www.physorg.com/news6734.html